Thứ Ba, 6 tháng 9, 2016

'Bệnh thành tích' đẩy học sinh phải học thêm

"Gia đình muốn con đạt thành tích cao, trường muốn nhiều học sinh xuất sắc, thầy cô xấu hổ với đồng nghiệp khi có trò yếu. Cả xã hội đang chạy đua với thành tích, những đứa trẻ cũng chạy đua với xã hội", độc giả Ngô Bích Lan bày tỏ quan điểm.

Tôi tin chắc rằng không ai chọn nghề giáo vì lương cao, vậy sao họ không chọn nghề khác? Có hai khả năng xảy ra: một là họ yêu nghề; hai là họ không thể làm gì khác. Lý do thứ hai thật nguy hiểm.
Khi yêu nghề, giáo viên cũng cần dạy thêm vì lương chứ, bởi lương tâm nghề nghiệp cũng cần đi đôi với cơm áo gạo tiền. Nhưng việc kiếm thêm từ nguồn thu nhập này phải gắn với tấm lòng của người thầy muốn giúp đỡ và hỗ trợ học sinh tiến bộ hơn. Động cơ này nhìn ở góc độ nào vẫn tốt hơn nhiều so với những người đi dạy vì không thể làm gì khác.
Thời gian học trên lớp vốn dĩ rất ít, khoảng 1-3 tiết mỗi tuần/môn, mỗi tiết 45 phút, không đủ trang bị cho học sinh toàn bộ kiến thức, với áp lực thi cử ngày càng nặng nề như hiện nay. Học trên lớp có đủ để thi tốt nghiệp, học kỳ và lên lớp? Học ở trên lớp có thể trở thành học sinh khá giỏi, đạt thành tích cao trong các cuộc thi? Xin thưa là không.
Nếu động cơ của giáo viên chỉ muốn dạy thêm vì cần tiền, họ sẽ bằng mọi cách ép học sinh đến lớp, giảm thời lượng dạy, hoặc dạy những thứ mà nếu học sinh không đến lớp học thêm sẽ không thể hiểu gì cũng như không thể thi cử. Khi đó, người ta gọi là bị giáo viên đì.
Giáo viên có lương tâm không bao giờ làm những việc như vậy. Nếu không có lương tâm, việc đi dạy sẽ gây nguy hiểm cho cả thế hệ. Những người như vậy có đáng được gọi là giáo viên, có xứng đáng để đứng lớp dạy dỗ bao nhiêu thế hệ? Nếu vậy hãy xem tại sao họ vào được ngành giáo dục? Dĩ nhiên họ đi dạy không phải vì yêu nghề.



Ai đẩy học sinh đến các lớp học thêm
Bên cạnh động cơ không đúng đắn của việc dạy thêm, cần quan tâm đến những người đã đẩy học sinh đến lớp học  thêm dù muốn hay không.
Ai cũng biết, khi phần lớn cả lớp đạt học sinh giỏi, thì vài em loại khá sẽ bị xem như "kẻ tội đồ" của gia đình, nỗi xấu hổ của thầy cô. Bởi cha mẹ luôn đòi hỏi những đứa trẻ của mình xuất chúng ngoài xã hội mà không hề cân nhắc đến năng lực của các em. Áp lực học hành thi cử vốn rất nặng nề, sức ép thành tích từ nhà trường, giáo viên, từ các bạn trong lớp và ánh mắt của ba mẹ đã đẩy các em đến nơi mà các em không hề muốn đến. Thử hỏi, có bao nhiêu học sinh đến lớp học thêm với niềm say mê và hứng thú học tập? Bao nhiêu học sinh đến lớp học thêm mà gọi người dạy mình là thầy/cô giáo với tấm lòng trân trọng? 
Vậy thì sao chúng ta cứ cố gắng đẩy các em đến nơi chúng không muốn đến, học nơi chúng không muốn học. Đó là bệnh thành tích. Ai cũng muốn con mình đạt được thành tích như các bạn cùng trang lứa, bất kể khả năng của các em. Trường nào cũng muốn thật nhiều học sinh xuất sắc, học sinh giỏi và tiêu biểu. Thầy/cô luôn xấu hổ với đồng nghiệp, với cấp trên khi lớp có nhiều học sinh đạt mức trung bình, chưa nói đến yếu kém. Trường này xấu mặt với trường khác khi nhiều học sinh rớt tốt nghiệp, ít học sinh giỏi, không có giải thưởng này, thành tích kia… Cả xã hội đang chạy đua với thành tích.
Khi đó, những đứa trẻ đang được giáo dục cũng bất chấp chạy đua cùng xã hội.
Thêm vào đó, hãy nhìn vào chương trình phổ thông hiện nay, vào sách giáo khoa, sách giáo viên, đặc biệt là chế độ thi cử. Làm thế nào để giáo viên có thể truyền đạt tất cả kiến thức "chuẩn" theo yêu cầu của Bộ với lượng thời gian trên lớp ít ỏi. Nói như giáo sư Văn Như Cương "học gì thi nấy hay thi gì học nấy? Chúng ta đang thực hiện "thi gì học nấy". Học hành và thi cử ở phổ thông hiện nay thực sự là một cuộc đua không hồi kết.
Xã hội nào cũng có những thành phần ưu tú và tinh hoa. Học sinh cũng vậy, giáo viên cũng thế, chỉ một số ít có khả năng vượt trội và trở nên xuất sắc khi rèn luyện. Còn lại, hãy để cho tất cả được sống, học tập, làm việc theo đúng khả năng của bản thân. Đó là cách để tạo nên một xã hội tinh hoa.

Ngô Thị Bích Lan

Đánh giá mới theo Thông tư 30 để học sinh không ganh đua

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, cách đánh giá mới theo Thông tư 30 để học sinh tự nhận thức khả năng, giỏi không kiêu, kém không tự ti.

Sáng 5/9, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tới trường Tiểu học Việt Nam - Cuba (Ba Đình, Hà Nội). Không thông báo trước, sự xuất hiện của ông khiến giáo viên, phụ huynh bất ngờ, chuyện trò vui vẻ với ông.
Trước băn khoăn của nhiều phụ huynh về việc không chấm điểm tiểu học khiến gia đình không biết sức học của các con đến đâu để kèm cặp, ông Đam cho rằng cách đánh giá mới để các em tự nhận thức được khả năng của bản thân mà vươn lên. Em nào giỏi rồi thì không kiêu, không coi thường bạn khác. Cháu nào chưa giỏi cũng cũng không tự ti, không mất động lực phấn đấu.
Nghe ông giải thích, phụ huynh đồng tình và cho rằng nếu được thông tin đầy đủ, cụ thể về mục đích, cách làm thì sẽ hiểu hơn.
Trước đó, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cũng cho biết những hạn chế của Thông tư 30 trong đánh giá học sinh tiểu học, Bộ đã tiếp thu ý kiến, rút kinh nghiệm và điều chỉnh. Trong dự thảo sửa đổi, việc đánh giá theo phương thức A, B, C không phải là "bình mới rượu cũ", giống với việc cho điểm như nhiều ý kiến nhận định. Bởi bản chất của 3 mức trên là lượng hóa để đánh giá sự tiến bộ của học sinh.
Nán lại sau lễ khai giảng, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nghe nhắc tới việc một hiệu trưởng ở Nha Trang (Khánh Hòa) yêu cầu học sinh khiêng bàn. Ông cho rằng, có những việc mỗi học sinh có thể tự làm như dọn vệ sinh, trồng cây, nhặt rác nhưng cũng có việc cần lao động tập thể.
Kể lại câu chuyện khi được hỏi sao không nhặt mẩu rác ở cạnh mình, một học sinh đã trả lời cái này không phải việc của cháu, ông chia sẻ: "Người lớn phải dạy các cháu từ những thứ rất nhỏ như thói quen thấy rác thì tự động nhặt bỏ vào thùng. Nhà trường cùng hội phụ huynh nên tổ chức những buổi lao động để học sinh và người lớn cùng nhau nhặt rác, giữ vệ sinh sạch sẽ quanh trường".

Thứ Hai, 22 tháng 8, 2016

'Nick & You' - sân chơi dành cho trẻ em nổi tiếng thế giới có mặt tại Việt Nam

   Thu hút sự quan tâm và yêu mến của đông đảo trẻ em cùng người lớn trên khắp thế giới, “Nick & You” - phiên bản Việt của “Nickelodeon” - chương trình giải trí dành riêng cho trẻ em và tuổi teen nổi tiếng thế giới sẽ lần đầu tiên ra mắt khán giả Việt Nam trên khung branded block “Nick & You” từ 17 giờ 30 - 20 giờ 30 mỗi ngày trên YouTV từ 15.9.2016.
Ở phiên bản dành cho trẻ em ở độ tuổi mẫu giáo và tiểu học, “Nick & You” được xây dựng trên nền câu chuyện chung khá đơn giản, mang đến cho các khán giả nhí những câu chuyện thú vị về nhà thám hiểm nhí Dora và chàng bọt biển đầu bếp SpongeBob - hai nhân vật hoạt hình huyền thoại được cả trẻ em và người lớn trên khắp thế giới yêu mến.

Ở phiên bản này, các khán giả nhí sẽ được thỏa sức tưởng tượng và đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác qua sự dẫn chuyện đầy thú vị của Dora - cô bé xinh xắn, đáng yêu với mái tóc ngố, đôi mắt to tròn lanh lợi có niềm đam mê khám phá và luôn sẵn lòng giúp đỡ bạn bè, và một SpongeBob - chàng bọt biển làm nghề đầu bếp vui nhộn, hài hước và luôn lạc quan yêu đời. SpongeBob cũng chính là người giữ công thức làm bánh bí truyền mê hoặc cả thị trấn đại dương Bikini Bottom, nhưng đôi khi vì trí tưởng tượng hơi vượt quá tầm kiểm soát nên chàng bọt biển màu vàng này đã gây ra không ít tình huống tréo nghoe.

Thông qua những câu chuyện vui nhộn, hài hước, Dora và SpongeBob sẽ hướng dẫn các em nhỏ cách giải quyết tình huống hết sức đáng yêu và dễ dàng thuyết phục các bậc phụ huynh bởi thông điệp nhẹ nhàng nhưng đầy tích cực dành cho trẻ em, giúp các bé hiểu được cách xây dựng và duy trì một tình bạn đẹp cũng như cách để hợp tác và làm việc nhóm hiệu quả... Chương trình truyền hình nổi tiếng thế giới này sẽ lần đầu tiên được ra mắt khán giả Việt Nam trên khung branded block “Nick & You” từ 17 giờ 30 - 20 giờ 30 mỗi ngày trên YouTV từ 15.9.2016.


Song song với loạt chương trình giải trí hấp dẫn, “Nick & You” còn mang đến khán giả nhí và các bậc phụ huynh cơ hội được gặp gỡ và giao lưu với các nhân vật hoạt hình huyền thoại được cả trẻ em và người lớn trên khắp thế giới yêu mến như: SpongeBob - chàng bọt biển đầu bếp vui nhộn hay anh chàng sao biển trung thành Patrick qua chuỗi Mall Show và School Tour diễn ra tại TP.HCM từ 8.9 - 18.9.2016.

Chi tiết truy cập: www.youtv.vn hoặc trang Facebook: KenhYouTV.
Đón xem YouTV trên Truyền hình vệ tinh K+ (kênh 61); VTC (kênh 88/SD, kênh 128/HD); HTVC (kênh 39/Analog; kênh số 90/Digital); VTVCab (kênh 123/Digital; kênh 56/Analog); BTS (kênh 9/Analog & Digital); RTB (kênh 14); SDTV (kênh 14).

Tranh biếm họa giữa đi và ở của trẻ em Syria gây sốc


Từ hình ảnh Alan Kurdi, 3 tuổi nằm chết úp mặt lạnh lẽo trên bờ biển cho đến ánh mắt đờ đẫn, bình thản trước thực tại đổ máu của Omran Daqneesh, nhiều người cay đắng nhận ra rằng, dù đi hay ở, lựa chọn nào của trẻ em Syria cuối cùng cũng đối mặt với cái chết thương tâm.



 Bức biếm họa về sự lựa chọn đi và ở của họa sĩ Khalid Albaih
Bức biếm họa về sự lựa chọn đi và ở của họa sĩ Khalid Albaih





Bước sang năm thứ 5 của cuộc nội chiến dai dẳng, gần nửa triệu người Syria đã bỏ mạng vì chiến tranh liên miên, 5 triệu người mất nhà cửa, rời bỏ quê hương đi tha phương cầu thực xứ khác.
Chiến tranh vô tình đẩy dân thường Syria vào sự lựa chọn ở lại hay ra đi. Dù lựa chọn cách nào, thật khó để đảm bảo họ sẽ an toàn, bởi đối mặt với chiến tranh ở quê hương hay theo những chuyến hành trình lênh đênh trên biển tìm cuộc sống mới ở châu Âu, những con người vô tội cũng có thể bị giết chết bất cứ lúc nào.

Alan Kurdi, 3 tuổi nằm chết trên bờ biển trong tư thế úp mặt gây chấn động thế giới

Không cần lấy ví dụ đâu xa, 2 hình ảnh đau thương của trẻ em Syria từng gây chấn động thế giới là minh chứng rõ nhất cho điều này.
Vào tháng 9-2015, bức ảnh về Alan Kurdi, 3 tuổi nằm chết trong tư thế úp mặt trên bãi biển đã khiến hàng triệu người trên thế giới sốc nặng trước cuộc khủng hoảng tị nạn kinh hoàng diễn ra trên biển Địa Trung Hải.
Alan Kurdi chỉ là một trong số hàng nghìn người vô danh đã bỏ mạng trên biển, nhưng số phận của một đứa trẻ vô tội có lẽ chính là điều gây nên sự ám ảnh không thôi với hàng triệu người, có tác động không nhỏ trong việc giải quyết vấn nạn di cư của các quốc gia châu Âu.

Omran Daqneesh tỏ ra khá bình tĩnh trước thực tại

Gần một năm sau, hôm 17-8-2016, bức ảnh một bé trai 5 tuổi được cứu thoát khỏi đống đổ nát của tòa nhà sau trận không kích dữ dội ở Aleppo, Syria lại một lần nữa khiến hàng triệu con tim trên thế giới bị bóp nghẹt.
Omran Daqneesh may mắn sống sót trong trận không kích nhưng ánh mắt đỡ đẫn, bình thản với thực tại có lẽ là lời tố cáo mạnh mẽ nhất đến chiến tranh, gây đau thương cho dân thường vô tội.
Hai bức ảnh, hai số phận, hai cái kết nhưng chung quy lại vẫn toát lên một ý nghĩa đau đớn. Dù lựa chọn giữa đi hay ở, những dân thường Syria, những trẻ em vô tội vẫn phải đương đầu với cái chết.
Từ 2 bức ảnh chấn động thế giới, họa sĩ Khalid Albaih đã cho ra đời một bức tranh biếm họa về thực tại đau thương của Syria. “Cảm hứng của tôi có được từ việc tôi luôn coi mình như một người tị nạn”, ông Albaih – người được sinh ra tại Romania nhưng hiện đang sống tại Qatar cho biết.
Bức biếm họa của Albaih một lần nữa lại gây nhức nhối trên khắp thế giới, khi mà hàng ngày hàng giờ vẫn có những số phận của những đứa trẻ như Alan Kurdi, như Omran Daqneesh đang phó mặc cuộc sống cho chiến tranh.
Dù bức biếm họa của Albaih được quan tâm nhưng bản thân ông cũng không lạc quan tin rằng tình hình hiện tại tại Syria có thể thay đổi. “Tranh biếm họa của tôi về Alan và Omran được lan truyền rất lớn nhưng có lẽ không thể thay đổi được thực tại, trẻ em vẫn là những nạn nhân đau khổ nhất phải chịu đựng”. 

Lý do thực sự giúp học sinh Singapore giỏi Toán dẫn đầu thế giới là gì?

Tại các trường học ở Singapore, giáo viên sẽ không bao giờ nghĩ rằng “em là một học sinh dốt toán”, vì mỗi đứa trẻ sẽ học toán tốt hơn với sự tự tin từ giáo viên các các trang thiết bị hỗ trợ học tập.


Lý do thực sự giúp học sinh Singapore giỏi Toán dẫn đầu thế giới là gì?
Bài toán "hại não" gây bão cộng đồng mạng hồi tháng 5 năm ngoái.

GS. Vũ Đức Vượng: “Giáo dục không phải là Thế vận hội”
"Giáo dục là một quá trình giúp một đứa bé thành người, và mọi người đều phải có cơ hội đạt được mục đích của chính mình, chứ không phải chỉ rập theo một khuôn mẫu".
Trong bảng xếp hạng 76 quốc gia được công bố bởi OECD vào tháng 5/2015, Singapore dẫn đầu và sau đó là Hong Kong, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan. Bảng xếp hạng này dựa trên khả năng toán học và khoa học của học sinh 15 tuổi. Anh và Mỹ đứng sau các nước châu Á ở thứ hạng 20 và 28.
Lý do thực sự giúp học sinh Singapore giỏi Toán dẫn đầu thế giới là gì?
Một tiết khoa học tại trường cấp 2 Admiralty ở bắc Singapore.
Lý do thực sự giúp học sinh Singapore giỏi Toán dẫn đầu thế giới là gì?
Học sinh ở trường Admiralty đang tham gia một khóa học quân sự sau giờ học chính thức
Các chính phủ trên thế giới đang tìm hiểu và tiếp thu nền giáo dục của Singapore, rồi kết hợp với đặc thù của nước mình để giảng dạy toán học và khoa học hiệu quả hơn. Gần đây, Anh quốc đã thôngbáo rằng một nửa trường tiểu học ở Anh sẽ giảng dạy toán học theo mô hình của Singapore. Nước này đã phải chi 41 triệu bảng để đào tạo giáo viên và thay đổi sách giáo khoa.

Nền giáo dục Singapore phát triển khả năng của học sinh như thế nào? Và làm cách nào các nước khác sẽ tiếp cận nền giáo dục này?
Lý do thực sự giúp học sinh Singapore giỏi Toán dẫn đầu thế giới là gì?
Ba em học sinh Tan Jin Teng, Diya Harish, Sie Yu Chuah – là ba trong số các học sinh ưu tú ở trường.
Lý do thực sự giúp học sinh Singapore giỏi Toán dẫn đầu thế giới là gì?
Bảng xếp hạng khả năng toán học và khoa học của học sinh 15 tuổi tại các quốc gia trên thế giới. Singapore đứng đầu danh sách này, Việt Nam xếp hạng thứ 12.
Singapore là một quốc gia nhỏ bị bao quanh bởi Malaysia và các quần đảo của Indonesia. Nó đã từng thuộc liên bang Malaysia trước khi giành độc lập vào năm 1965. Chính những điều này đã tạo nên tâm lý bị 'lấn át' bởi các quốc gia láng giềng, tạo nên nỗi sợ hãi và niềm tự hào ăn sâu vào tâm trí của người dân.

Nền giáo dục của Singapore được tạo nên trong thời gian ngắn. Dưới thời gian quản lý của Anh quốc, giáo dục chỉ dành cho con cái gia đình giàu có. Những người Trung Quốc, Mã Lai và Tamil nhập cư hầu hết không biết chữ. Sau khi giành được độc lập, Thủ tướng Lý Quang Diệu thực hiện mở rộng giáo dục cho mọi đối tượng.

Giáo dục nên gắn liền với lợi ích kinh tế. Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết, các sinh viên khi ra trường đều tìm được việc làm ngay lập tức, đó là những việc làm mà trong xã hội đang thiếu nhân lực.
Lý do thực sự giúp học sinh Singapore giỏi Toán dẫn đầu thế giới là gì?
Một buổi sáng thường nhật ở trường Admiralty. Tâm lý bị các nước láng giềng 'lấn át' khiến học sinh càng tự hào hơn về quốc gia của họ.
Toán học và Khoa học là hai bộ môn chính được giảng dạy suốt cấp tiểu học cũng như trung học ở Singapore. “Phương thức Singapore” được phát triển bởi một đội ngũ giáo viên trong những năm 1980, họ được giao nhiệm vụ tạo ra tài liệu giảng dạy chất lượng cao cho Bộ Giáo dục.

Nhóm nhà giáo này đã đi đến nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản và Canada để so sánh các phương pháp giảng dạy. Trọng tâm của phương pháp là chuyển đổi cách thức học vẹt, tập trung vào lý thuyết thành cách giải quyết vấn đề trong thực tế.

Phương pháp học tập trải qua 3 giai đoạn: sự liên tưởng đến vật thể thực tế, học qua hình ảnh, và thông qua các biểu tượng. Lý thuyết này góp phần nhấn mạnh cách giảng dạy của Singapore trong ngành toán học với giáo cụ trực quan: sử dụng các khối màu để đại diện cho phân số hoặc tỷ lệ.

Lấy thí dụ ở trường Admiralty, ngôi trường cấp 2 nằm ở phía bắc Singapore. Trong tiết học toán sau giờ ăn trưa, giáo viên mời học sinh ra khỏi chỗ ngồi, kích thích sự tò mò của trẻ. Sau đó, mời một em lên giải toán nhằm tạo nên bầu không khí đối đầu vui vẻ.

Một học sinh giải bài toán nhưng dường như chưa chắc chắn về đáp án, nên chạy lên và sửa lại, tuy nhiên, một học sinh khác ở dưới lớp liền nói to lên rằng “Vẫn còn sai!”. Khoảng thời gian gần cuối của tiết toán, học sinh sẽ có một bài kiểm tra nhỏ. Họ trả lời câu hỏi trên máy tính bảng, rồi ngay sau đó màn hình máy tính sẽ hiển thị số câu trả lời đúng hay sai.

Một cậu học sinh với niềm vui cùng với cánh tay cầm chiếc máy tính bảng vẫy vẫy, ra hiệu đã hoàn thành bài kiểm tra khá nhanh. Màn hình chiếc máy hiện lên một biểu đồ tròn bao trùm bởi màu xanh lá cây, hầu như cậu ta đã trả lời đúng toàn bộ số câu hỏi. Ngay sau đó, cả lớp dành cho cậu bé một tràng vỗ tay.
Lý do thực sự giúp học sinh Singapore giỏi Toán dẫn đầu thế giới là gì?
Hình 1: Xếp hàng có trật tự đi vào lớp. Hình 2: Các mạch điện tử là sản phẩm khoa học của học sinh. Hình 3: Học sinh đang làm bài kiểm tra. Hình 4: Áp dụng các công nghệ hiện đại để học tập.
Tuy nhiên, hình thức giảng dạy này từng chịu nhiều lời chỉ trích do quá gò bó học sinh. Nhận thấy cần phải thay đổi, chính phủ Singapore đã đưa ra những cải cách mới cho nền giáo dục nước nhà.

Singapore đang chủ trương chính sách “dạy ít hơn, học hỏi nhiều hơn” để đề cao việc tư duy độc lập và khuyến khích học sinh theo đuổi niềm đam mê của mình. Số lượng bài tập về nhà được cắt giảm nhiều, thay vào đó học sinh sẽ có nhiều thời gian và có cơ hội lựa chọn đối tượng mình sẽ nghiên cứu.

Cách giáo dục mới khiến học sinh có cái nhìn tích cực hơn về toán học. Họ sẽ không bao giờ nghĩ rằng “em là một học sinh dốt toán”, vì mỗi đứa trẻ sẽ học toán tốt hơn với sự tự tin từ giáo viên các các trang thiết bị hỗ trợ học tập.
Lý do thực sự giúp học sinh Singapore giỏi Toán dẫn đầu thế giới là gì?
Một lớp học wushu, phiên bản hiện đại của môn võ Thiếu Lâm cổ truyền.
Học sinh có thể tự do bày tỏ ý kiến, trình bày những quan điểm, vẽ các bức tranh hay dựng các mô hình để chứng minh sự hiểu biết của mình về thế giới xung quanh. Giáo viên và phụ huynh được khuyến khích nên khen ngợi học sinh vì những nỗ lực, sự tìm tòi và kiên trì trong việc giải quyết vấn đề, chứ không chỉ dựa vào kết quả đúng sai. Xây dựng sự tự tin bằng cách xem xét sai lầm là giá trị để học tập.

Biến toán học thành những điều gần gũi bằng cách biến cuộc sống hàng ngày trở thành một cuộc trò chuyện toán học. Thí dụ: Có bao nhiêu chiếc xe đang đậu trên đường khi chúng ta đang đi bộ đến trường? Tìm nhiều cách để giải quyết một vấn đề. Đề cao sáng tạo hơn là nỗ lực theo con đường cũ.

Thứ Ba, 28 tháng 6, 2016

Học sinh tiểu học tự sát vì không hài lòng cách bố trí bàn trong lớp học

Một học sinh tiểu học 12 tuổi sống tại tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc) đã nhảy lầu tự sát sau khi tranh luận với giáo viên về việc sắp xếp chỗ ngồi trong lớp ở buổi tiệc tốt nghiệp.

Sự việc xảy ra tại thị trấn Lẩu Đế (tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc), khi học sinh có tên Tiểu Vũ, 12 tuổi, đã sắp xếp lại bàn ghế trong lớp học để chuẩn bị cho buổi lễ tốt nghiệp của lớp. Ngay trước khi buổi lễ tốt nghiệp diễn ra, Tiểu Vũ đã quay tất cả bàn trong phòng học lại để tất cả đối diện vào chính giữa lớp học.


Thi thể của Tiểu Vũ sau khi nhảy xuống từ lớp học trên tầng 4 được camera giám sát ghi lại
Thi thể của Tiểu Vũ sau khi nhảy xuống từ lớp học trên tầng 4 được camera giám sát ghi lại
Cha mẹ của Tiểu Vũ cho biết hôm sự việc xảy ra, cậu bé đã nhờ cha mẹ chuẩn bị cho bộ quần áo đẹp nhất và đi đến trường với tinh thần phấn khởi để chuẩn bị cho buổi lễ tốt nghiệp, tuy nhiên ngay khi đến lớp, Tiểu Vũ đã cảm thấy rất hụt hẫng khi giáo viên của lớp yêu cầu các học sinh quay bàn trở lại vị trí cũ với lý do sự sắp xếp bàn học của Tiểu Vũ gây bất tiện cho buổi lễ.
Trong khi các học sinh khác đang xoay bàn trở lại vị trí cũ như những ngày học bình thường, Tiểu Vũ bướng bỉnh ngồi trên ghế của mình và bắt đầu khóc vì cảm thấy nỗ lực chuẩn bị của mình đã không được ghi nhận. Bất chấp việc cố gắng thuyết phục giáo viện trong những giọt nước mắt nhưng giáo viên vẫn kiên quyết giữ yêu cầu của mình.
Sau một hồi khóc lóc với tâm trạng bức xúc, Tiểu Vũ đã bất ngờ đập mạnh vào bàn của mình, trước khi chạy ra khỏi lớp học trên tầng 4, trèo qua lan can và nhảy xuống bên dưới. Tiểu Vũ đã lập tức được đưa đến bệnh viện tuy nhiên cậu bé đã không qua khỏi do bị chấn thương quá nặng.
Cha mẹ của Tiểu Vũ đã rất đau đớn trước cái chết của con. Bạn học của Tiểu Vũ mô tả cậu bé là một người hoạt bát và vui vẻ nên tất cả đã rất bất ngờ trước hành động bột phát của cậu bé.
Câu chuyện về cái chết của Tiểu Vũ lập tức đã gây sốc dư luận tại Trung Quốc. Nhiều cư dân mạng nhận xét cậu bé có một trái tim mong manh như thủy tinh và cảm xúc đã lấn át khiến cậu bé tìm đến cái chết chỉ vì một lý do tầm thường như vậy. Trong khi đó nhiều người cho rằng cha mẹ và giáo viên của Tiểu Vũ đã thất bại trong việc giáo dục đúng cách cho cậu bé.

(Theo Dân Trí)

Thứ Hai, 13 tháng 6, 2016

Học sinh tựu trường sớm nhất vào ngày 1/8/2016

Học sinh tựu trường sớm nhất vào ngày 1/8/2016

GD&TĐ - Chuẩn bị cho công tác năm học mới 2016 - 2017, Bộ GD&ĐT đã ban hành khung kế hoạch thời gian của GD mầm non, GD phổ thông và GD thường xuyên. 


Theo đó, HS tựu trường sớm nhất vào ngày 1/8/2016, muộn nhất vào ngày 25/8/2016, tổ chức khai giảng vào ngày 5/9/2016.

Trong khung kế hoạch thời gian năm học Bộ cũng quy định rõ: HS kết thúc học kỳ II trước ngày 25/5/2017; kết thúc năm học trước ngày 31/5/2017; xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học và xét công nhận tốt nghiệp THCS trước ngày 15/6/2017; hoàn thành tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2017 - 2018 trước ngày 31/7/2017.

Kế hoạch thời gian năm học 2016 - 2017 ở các địa phương phải đảm bảo số tuần thực học: Đối với cấp mầm non, có ít nhất 35 tuần thực học (học kỳ I có ít nhất 18 tuần, học kỳ II có ít nhất 17 tuần); Đối với cấp tiểu học, có ít nhất 35 tuần thực học (học kỳ I có ít nhất 18 tuần, học kỳ II có ít nhất 17 tuần); đối với cấp THCS và cấp THPT, có ít nhất 37 tuần thực học (học kỳ I có ít nhất 19 tuần, học kỳ II có ít nhất 18 tuần); đối với GD thường xuyên (THCS và THPT), có ít nhất 32 tuần thực học (mỗi học kỳ có ít nhất 16 tuần).

Kế hoạch thời gian năm học phải phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội và tập quán của địa phương. Các ngày nghỉ lễ, tết được thực hiện theo quy định của Luật Lao động và các quy định tại các văn bản dưới Luật. Nếu ngày nghỉ lễ, tết trùng vào ngày nghỉ cuối tuần thì được nghỉ bù theo quy định. Nghỉ Tết Nguyên đán ít nhất là 7 ngày.

Thời gian nghỉ hè thay cho nghỉ phép năm của giáo viên là 2 tháng, có thể được bố trí xen kẽ vào thời gian khác trong năm để phù hợp với đặc điểm cụ thể và kế hoạch thời gian năm học của địa phương. Bộ khuyến khích xây dựng và áp dụng kế hoạch thời gian năm học đồng bộ cho các cấp học trong trường phổ thông có nhiều cấp học, các cấp học trên một địa bàn dân cư, đặc biệt là đối với cấp tiểu học và cấp THCS.

Học sinh tựu trường sớm nhất vào ngày 1/8/2016


Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định kế hoạch thời gian năm học 2016 - 2017 của GD mầm non, GD phổ thông và GD thường xuyên áp dụng cho địa phương.

Thời gian nghỉ học và thời gian kéo dài năm học trong trường hợp đặc biệt. Giám đốc Sở GD&ĐT quyết định cho HS nghỉ học trong trường hợp thời tiết quá khắc nghiệt, thiên tai và bố trí học bù. Bố trí lịch nghỉ của giáo viên trong năm học.