Thứ Tư, 25 tháng 5, 2016

Học sinh tiểu học ở Anh bắt buộc phải học về... tiền bạc

Học sinh tiểu học ở Anh cần phải đươc giáo dục tài chính bắt buộc cho dù các em còn nhỏ. Một báo cáo công bố mới đây của Quốc hội Anh cho rằng giáo dục tài chính từ sớm giúp các em ý thức được sự tiết kiệm.

Học sinh tiểu học ở Anh bắt buộc phải học về... tiền bạc - ảnh 1
Tiểu học là giai đoạn hình thành thói quen sử dụng tiền bạc của trẻ - Ảnh: Shutterstock
Việc giảng dạy về tiền bạc ngay từ tiểu học còn giúp các em hiểu được hơn giá trị của đồng tiền. Hiện nay, giáo dục tài chính đã được triển khai bắt buộc ở bậc trung học của Anh.
Các em được học những vấn đề đơn giản về tiền như tỷ lệ thay đổi lãi suất. Tuy nhiên, báo cáo cũng tiết lộ khoảng 20% giáo viên đứng lớp không hoàn toàn tự tin khi giảng dạy về tài chính cho học sinh.
Tiểu học là giai đoạn bắt đầu hình thành thói quen sử dụng tiền của các em. Do đó, lúc này rất thích hợp để giáo dục tài chính. Nó sẽ khuyến khích thái độ tích cực của các em về cách sử dụng ngân quỹ và tiết kiệm ngay từ khi còn nhỏ. Mặt khác, những kiến thức này sẽ giúp những đứa trẻ có lựa chọn tài chính đúng đắn khi lớn lên, báo cáo cho biết.
Bản báo cáo là nỗ lực nhằm đưa giảng dạy tài chính bắt buộc vào bậc tiểu học ở Anh. Ngoài ra, giáo dục tài chính từ sớm có thể giúp học sinh tiểu học củng cố kỹ năng tính toán cũng như hiểu hơn về trách nhiệm công dân với ngân sách.
“Chính vì thiếu kiến thức về tài chính có thể cản trở người trẻ khai thác hết tiềm năng của họ và dẫn đến tình trạng nợ nần, thất nghiệp, từ đó tác động tiêu cực đến sức khỏe và tinh thần”, giám đốc điều hành Michael Mercieca của Young Enterprise, tổ chức giáo dục phi lợi nhuận nổi tiếng ở Anh, cho biết.
Báo cáo trên cũng yêu cầu Bộ Giáo dục Anh nên chuẩn bị trước bằng cách đẩy mạnh đào tạo kỹ năng giáo dục tài chính cho giáo viên tiểu học.

Đừng để trẻ phát sợ nghỉ hè

Nên dành cho trẻ nhiều hoạt động vui chơi bổ ích trong dịp hè 

Nghỉ hè để... đi học 

“Nghỉ hè con thích làm gì nhất?” - “Con thích nhất là về quê. Quê con ở Thanh Trì. Ở quê con còn có cụ và các anh chị” - Nguyễn Gia Huy, học sinh trường tiểu học Trần Quốc Toản (quận Hoàn Kiếm) cho biết. Tuy nhiên, cậu học sinh này chỉ được về quê vào dịp cuối tuần vì tới nay, lịch học của Huy trong dịp hè đã được lên đầy đủ. Huy và cô em gái học lớp 2 sẽ được học đàn, bơi, đánh cầu lông, cờ vua bên cạnh việc học thêm các môn văn hóa, đặc biệt là Toán, tiếng Anh…
Giống như Nguyễn Gia Huy, rất nhiều học sinh sau khi kết thúc năm học đã không có một kỳ nghỉ hè theo đúng nghĩa vì bị bố mẹ “nhồi” kín lịch học thêm. Khái niệm mùa hè là dịp nghỉ ngơi, vui chơi với các em đã trở nên xa vời, thay vào đó là những ngày chạy sô từ trung tâm này đến trung tâm khác.Chị Mai Lan Anh, phụ huynh học sinh trường tiểu học Quang Trung cho biết: “Gia đình tôi không còn họ hàng ở quê nên nghỉ hè các con chỉ duy nhất một lựa chọn là ở nhà. Nếu không tìm chỗ học thêm thì không biết các con sẽ làm gì ở nhà cho hết 2 tháng hè. Hơn nữa, thầy cô đều nhắn phải cho con ôn tập kiến thức trong dịp hè nếu không sẽ “chữ thầy trả thầy”. Thế nên, hè mà vẫn phải đi học là chuyện đương nhiên”.
Rất nhiều bậc phụ huynh có quan niệm  nghỉ hè là dịp rỗi rãi nhất nên tập trung cho con học thêm và đầu tư ngoại ngữ để các em có thể vào học ở các trường THCS công lập chất lượng cao. Và như vậy sau cả một năm học căng thẳng các em học sinh lại phải tiếp tục bước vào một guồng quay học hành mới do bố mẹ vạch ra.
Không ít phụ huynh còn đặt ra mục tiêu cho con em mình phải chinh phục được các chương trình ngoại ngữ IELTS, TOEFL hay SAT tại các trung tâm Anh ngữ. Việc các em học sinh bị “nhồi nhét” hoc thêm một cách quá đà trong dịp hè xuất phát từ tâm lý muốn “quản lý” còn em mình nhưng mặt khác nó cũng là tâm lý “ganh đua” giữa các bậc phụ huynh vì thấy các bạn đều đi học cả, con mình không đi cũng không được. Chính bởi điều này đã tạo ra áp lực cho các em ngay chính trong kỳ nghỉ của mình. 
Hãy trả hè cho con  
Lã Phan Anh, học sinh lớp 5 trường tiểu học Thái Thịnh (quận Đống Đa) cho biết, “Nghỉ hè rất thoải mái, con không hề phải học thêm hay mang theo sách vở để tự học, cho đến tháng 8 mới là lúc con phải tham gia các lớp học thêm”. Mẹ của Phan Anh chia sẻ, cháu khá tự giác, ít phải nhắc nhở và biết tự lên kế hoạch cho bản thân nên bố mẹ cũng yên tâm về thành tích học tập của con cũng như không có kế hoạch bắt buộc phải học thêm trong mấy tháng hè tới.
Đào Dương Hoàng Long, học sinh lớp 10 chuyên Hóa trường THPT chuyên Nguyễn Huệ cho biết, trường em đã chính thức nghỉ hè và hiện Long đang có khá nhiều dự định cho kỳ nghỉ hè sắp tới. “Môn thể thao yêu thích của em là bóng rổ nên dịp hè này chắc chắn em sẽ giành thời gian luyện tập. Đây cũng là dịp em có thể tập trung cao cho việc học thêm tiếng Anh để đạt mục tiêu đi du học.
Việc bố trí thời gian học các môn văn hóa khác cũng sẽ được trải đều trong tuần để không quá tải như trong năm học. Ngoài ra, em còn tham gia các câu lạc bộ hoạt động xã hội tình nguyện. Đây là những hoạt động có ý nghĩa tích cực mà chúng em không thể bỏ qua trong dịp hè này” - Hoàng Long cho biết.
Với thành tích giải nhất cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia năm học 2015-2016, Long đang rất băn khoăn về việc sắp xếp thời gian hè để cùng các bạn nhận một vài đề tài nghiên cứu khoa học do trường đại học Việt Pháp hỗ trợ. “Vậy bố mẹ em có để em tự quyết định việc làm của em trong dịp hè này không?”. “Kế hoạch nghỉ hè đều do em tự quyết định. Em sẽ tự biết sắp xếp để có một kỳ nghỉ hè có ích và vui vẻ” - Hoàng Long khẳng định.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, dịp nghỉ hè, việc các phụ huynh nên làm là để con em mình được thư giãn, không nên nhốt con ở nhà hay ép con học văn hóa... Đối với lứa tuổi mầm non, tiểu học, cần tham gia xen kẽ các hoạt động nâng cao kiến thức sống, gần gũi với thiên nhiên, phát triển năng khiếu. Phụ huynh phải nắm bắt sở thích, mong muốn cũng như tố chất của con, nếu thấy con có năng khiếu thì nên cho đi học các lớp năng khiếu.
Phụ huynh nên đáp ứng sở thích chứ không nên ép các em học theo ý thích của bố mẹ. Ngoài ra, các bậc phụ huynh nên để con em mình chủ động lên kế hoạch, thực hiện theo nguyện vọng. Đó chính là cách để phụ huynh giảm áp lực cho bản thân, đồng thời rèn luyện cho con kỹ năng sắp xếp, tự chủ trong các hoạt động học tập, vui chơi của mình.

Thông tư 30 giúp trẻ tự học hay… buộc trẻ “học lại”?

Thông tư 30 giúp trẻ tự học hay… buộc trẻ “học lại”?


- Điểm số đối với học sinh tiểu học giờ là những lời phê đỏ chói, chữ đúng chuẩn “nét thanh, nét đậm” được đóng dấu nghiêm ngắn trên những trang vở hoặc sách bài tập.

Thông tư 30 giúp trẻ tự học hay… buộc trẻ “học lại”?
Giờ tập viết của học sinh lớp 1E trường Tiểu học Lê Ngọc Hân (Lào Cai) - trường đạt chuẩn quốc gia mức độ I. Ảnh: Lê Vân / TTXVN
Mới đây, Sở GD-ĐT Hà Nội vừa đề nghị, trước 28/5, phòng GD-ĐT các quận, huyện và thị xã; các trường chuyên biệt trực thuộc Sở báo cáo việc thực hiện đánh giá học sinh tiểu học (năm học 2015-2016) theo Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT (Thông tư 30) được ban hành ngày 28/8/2014.
Theo đó, điều mà dư luận xã hội rất quan tâm hiện nay là, các thầy cô cũng như phụ huynh có con học tiểu học đánh giá như thế nào về tính tích cực chủ động trong học tập sau hai năm học không còn bị áp lực về điểm số thường xuyên?
Những con dấu “nhân bản” lời phê
Đã qua rồi cái thời len lén cất cuốn tập vào cặp, giấu thật kỹ để bố mẹ không phát hiện do bị điểm kém. Giờ đây, điểm số đối với học sinh tiểu học đã được thay bằng là những lời phê đỏ chói, chữ đúng chuẩn “nét thanh, nét đậm” được đóng dấu nghiêm ngắn trên những trang vở hoặc sách bài tập.
“Lớp mấy chục em, mỗi em lại có tới cả chục cuốn tập cần phải phê, dù cố gắng “giảm tải” nhưng cũng phải dành ra mấy buổi một tuần để nhận xét các con. Rồi việc nhà, việc con cái, việc xã hội… Con dấu khắc sẵn lời phê là cách làm giản tiện, nhanh chóng và… khoa học nhất”, cô H., chủ nhiệm lớp 1A6 một trường điểm ở ngoại thành Hà Nội nói.
Thông tư 30 giúp trẻ tự học hay… buộc trẻ “học lại”?
Một số giáo viên, ngoài nhận xét bằng con dấu, còn chấm điểm để động viên các em cố gắng. Ảnh: Nhật Minh
Cô H. cũng cho biết thêm, trẻ cấp I, nhất là học sinh lớp 1, lớp 2 vốn từ vựng ít, diễn đạt kém, dù cô có đủ sức sáng tạo ra hàng chục lời phê thì con cũng khó lòng hiểu hết. Vậy nên, quanh đi quẩn lại vẫn chỉ “Con làm bài tốt, cô khen”, “Con cần cố gắng hơn nữa”, “Con làm bài chưa đạt”… Nhưng chưa đạt ở chỗ nào, tốt ra sao… thì lũ trò nhỏ không thể nào hiểu được. “Cô trả bài xong là chúng nhét luôn vào ngăn bàn, vào cặp sách rồi… quên biến”, cô H. ngán ngẩm.
Thực tế, nhiều giáo viên tiểu học cho rằng, những lời nhận xét trong vở của học sinh cơ bản chỉ có tác dụng đối với phụ huynh, giúp phụ huynh nắm bắt tình hình học tập của con. Cũng có người cẩn thận gọi điện hỏi cô xem con còn thiếu sót ở đâu, cần cố gắng cụ thể như thế nào, nhưng số này, theo cô H. “vô cùng ít, và cũng chỉ đôi, ba lần là… chán!”.
Thậm chí, ở các khu vực nông thôn, bố mẹ làm ruộng hoặc công nhân theo ca thì rất ít có thời gian đọc nhận xét của cô. Với họ, điểm gần như lời thông báo chính xác và cụ thể nhất về việc học của con đang tiến bộ hay có vấn đề gì. Vì vậy, không chấm điểm, phụ huynh không thể biết con mình giỏi, yếu môn học nào.
Trò lười, cô “lén” chấm điểm
Thi thoảng gọi điện thoại phỏng vấn PGS. Văn Như Cương, cứ nhắc đến câu chuyện bỏ chấm điểm cho học sinh tiểu học, ông đều cho biết nhận được khá nhiều lời “kêu” từ giáo viên.
Mục đích của việc bỏ chấm điểm tiểu học là nhằm giúp các em học sinh kém đỡ mặc cảm, các em giỏi bớt kiêu căng, và từ đó làm giảm tình trạng dạy thêm - học thêm tràn lan. Tuy nhiên, lý do đó thực tế không phù hợp với tâm lý chung của học trò, nhất là các em ở lứa tuổi tiểu học.
Thay vì bị “cào bằng” bằng những lời phê, các em muốn được khuyến khích, động viên một cách cụ thể, để từ đó có động lực phấn đấu vươn lên, học tập tiến bộ hơn. Điểm số được xem là lời nhận xét dễ hiểu nhất đối với học trò!
Thêm vào đó, trong khi trò thì không hiểu cô nhận xét vậy nghĩa là như thế nào, phụ huynh cũng chẳng biết con mình học tập thực chất ra sao. Kiểm tra sách vở của con, thấy bài thường xuyên tốt, được cô khen, bố mẹ yên tâm làm việc nhưng đến khi nhận thông báo chuẩn bị thi học kỳ, ngồi kèm con học, nhiều ông bố bà mẹ mới giật mình tá hỏa: “Cả học kỳ qua bọn trẻ học cái gì?”.
Thông tư 30 giúp trẻ tự học hay… buộc trẻ “học lại”?
Nhận xét, chấm điểm đồng thời. Ảnh: Nhật Minh
Vậy là, mục đích của không chấm điểm học sinh tiểu học là nhằm giảm tình trạng học thêm - dạy thêm vô hình chung lại khiến phụ huynh thêm lo lắng do không biết con mình “đang đứng ở đâu”. “Đi học thêm trở thành tất yếu”, PGS. Văn Như Cương nhấn mạnh.
Thậm chí, nhiều cô giáo buộc phải chấm điểm “chui”, làm sai Thông tư 30 khi nhận thấy tình trạng học trò càng ngày càng lười.
Cô H. chia sẻ: “Trẻ con khôn lắm. Cuốn vở nào cô không hay kiểm tra thì không viết bài, viết ẩu. Các cô không chấm điểm, các con vui chơi thoải mái. Nhưng cuối học kỳ thì phụ huynh tới tấp hỏi han xem con học hành ra sao. Bởi, hết 5 năm tiểu học, kết quả như thế nào cũng ảnh hưởng ít nhiều đến kỳ xét tuyển học sinh vào lớp 6”.
Giúp trẻ tự học hay… buộc trẻ phải học lại?
Cũng theo PGS. Văn Như Cương, việc bỏ chấm điểm thường xuyên ở bậc tiểu học liệu có mâu thuẫn không khi đến cuối mỗi học kỳ và các cấp học trên vẫn chấm điểm như thường? Dưới đây là một thực tế.
Nhiều giáo viên cấp 2, nhất là giáo viên lớp 6, phải lắc đầu kêu trò lười, dốt, lý do là “nền tảng cấp 1” chẳng có gì. Điều này có thể được lý giải bởi tâm lý “sốc” của học sinh khi phải đối mặt với khối kiến thức nặng hơn rất nhiều so với ở tiểu học. Trong khi đó, “do không được rèn luyện, tạo thành thói quen “chịu khổ”, nên con học tập sa sút hơn là chuyện đương nhiên”, cô T., chủ nhiệm lớp 6G trường THCS Y.T (Gia Lâm, Hà Nội) cho biết.
Thông tư 30 giúp trẻ tự học hay… buộc trẻ “học lại”?
Diễn đàn khoa học đánh giá kết quả một năm thực hiện theo Thông tư 30. Ảnh: Hồng Liên / Kiến Thức
Vậy là, Thông tư 30 - một trong những điểm nằm trong phương pháp dạy học theo mô hình VNEN giúp người được giáo dục trở thành người tự giáo dục, hay nói dễ hiểu, giúp học sinh tiểu học tự học, cuối cùng lại buộc các em phải học lại một lần nữa, ở cấp II, những kiến thức đáng ra đã được lĩnh hội từ cấp tiểu học?!
Cần phải khẳng định, Thông tư 30 không sai khi hướng trọng tâm vào học trò, xây dựng cho trò ý thức tự học, và hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển chung của nền giáo dục thế giới. Nhưng câu chuyện đặt ra là, làm sao để thực hiện cho hợp lý khi mà trình độ giáo viên và phụ huynh ở các vùng miền khác nhau, điều kiện cơ sở hạ tầng phục vụ cho công tác giảng dạy khác nhau, thậm chí chênh lệch nhau.
Làm sao kích thích óc tìm tòi, sáng tạo, tính tự lập, tự học ở trẻ khi mà bản thân các cô lúc này còn đang loay hoay với đống giấy tờ, hồ sơ phải hoàn tất, với sáng kiến khoa học, thi giáo viên dạy giỏi các cấp, và trăm thứ việc không tên khác?
Và, để làm được điều này, theo nhận định của TS. Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội trên báo điện tử VnExpress, “không chỉ cần hành động của Bộ mà cả sự chung sức của các Sở, Phòng và mỗi giáo viên".

Chủ Nhật, 15 tháng 5, 2016

Học sinh tiểu học Nhật đọc gần 20 quyển sách/tháng

Học sinh tiểu học Nhật đọc gần 20 quyển sách/tháng 

Học sinh tiểu học Nhật đọc gì? Có lẽ “manga” (truyện tranh) sẽ là câu trả lời được nhiều bạn đọc đưa ra. Nhưng không phải như vậy!

Nếu được dịp tham quan một thư viện trường tiểu học, bạn sẽ thấy manga chỉ là một phần nhỏ, khiêm tốn trên kệ sách.
Vì đặc thù ngôn ngữ nên không phải học sinh tiểu học thuộc bất kỳ cấp lớp nào ở Nhật đều đọc được manga ngay. Hoặc không phải cứ biết hết mặt chữ là đọc được vì trong tiếng Nhật còn có chữ Kanji (Hán tự) mà số chữ các em được học theo từng cấp lớp được quy định khác nhau.
Thế nhưng, điều đó không ảnh hưởng đến niềm vui đọc sách, tìm hiểu vạn vật của các em. Bởi thư viện trong trường tiểu học Nhật luôn cung cấp các đầu sách phù hợp với các cấp lớp và phân loại theo từng lĩnh vực khác nhau.
Học sinh tiểu học Nhật đọc gần 20 quyển sách/tháng 
Đọc mỗi ngày
Thử xem thống kê của thư viện một trường tiểu học gồm sáu cấp lớp với khoảng 700 học sinh ở thành phố Nago - một thành phố nhỏ xa trung tâm ở tỉnh Okianawa - có gì?
Tháng 1-2016 do có nhiều ngày nghỉ lễ, tết nên thư viện chỉ mở cửa 13 ngày. Trong tháng này khối lớp 1 mượn nhiều nhất, trung bình là 12,3 quyển/em; khối lớp 6 ít nhất với 4,5 quyển/em. Các khối lớp còn lại mượn từ 8-10 quyển/em.
Phải nhắc đến mùa thu, mùa đẹp nhất trong năm để đọc sách, theo người Nhật. Trong hai tháng 10 và 11, thư viện dường như hoạt động hết công suất. Trong tháng 10-2015 các em đọc trung bình 19,2 quyển/em. Lớp 1 vẫn đọc nhiều nhất với số sách trung bình mượn về là 28,9 quyển/em.
Vậy các em đọc gì?
Vâng, từ tìm hiểu thế giới khủng long, yêu quái cho đến sách khoa học, tìm hiểu đời sống cây cỏ, vật nuôi, lịch sử đất nước, câu đố mẹo, thuật dọn dẹp.
Những đề tài có vẻ khó nhằn lại được các em tìm đọc nhiều nhất do cách trình bày dễ hiểu, phù hợp với từng độ tuổi, cấp lớp.
Một học sinh lớp 1 dễ dàng tìm được sách hướng dẫn trồng hoa asagao với ảnh minh họa rõ ràng, sát thực tế, thậm chí nhờ đó các em dễ dàng xác định cây hoa đã được trồng bao lâu khi thấy hoa nở.
Một học sinh lớp 3 được cha mẹ tặng quà sinh nhật là chú chuột hamster theo nguyện vọng. Ngay lập tức cô bé tìm sách đọc và biết được những quy tắc cơ bản trong việc nuôi thú cưng.
Hay tương tự, bạn cô bé thì vùi đầu vào quyển sách về cá bảy màu vì bắt đầu nuôi cá. Có hôm cô nàng quan sát cá và phân tích con nào chuẩn bị đẻ con, con nào mình sắp phải chia tay sau khi tính tuổi thọ của cá, thậm chí có hôm còn làm phụ huynh giật nảy mình khi đi ngang chậu cá và nói “hai con cá đang giao phối”.
Còn có lần, phụ huynh nói về tiểu thuyết “Ve sầu ngày thứ tám” của Kakuta Mitsuyo thì bị vặn lại “ve sống một tuần thôi mà”. Và cũng ve mà một cô nhỏ lớp 2 bắt bí em mình học lớp… chồi khi đố ve gì kêu ra sao.
Với cấp lớp lớn hơn, đề tài khó và sâu hơn được trình bày bằng tranh vẽ dạng manga. Từ đó, lịch sử đất nước được các em tìm đọc một cách tự nhiên mà không có cảm giác khô khan, xa cách.
Những em yêu thích thể thao thì có sách về cuộc đời các vận động viên có thành tích nổi bật.
Sách về danh nhân thế giới thì thư viện không bao giờ thiếu. Nhờ đó các em được trang bị một lượng kiến thức tổng hợp, căn bản.
Đương nhiên sách truyện với các nhân vật chính là những con vật đáng yêu được nhân cách hóa, nội dung đầy tính nhân văn, lay động lòng người và khiến những cô cậu nhỏ phải thành thật viết cảm nhận “tôi đã khóc vì câu chuyện này”.
Truyện thiếu nhi nước ngoài cũng được dịch để phục vụ nhu cầu đọc sách, mở mang tầm mắt của học sinh tiểu học.
Các em nhận ra mình hạnh phúc hơn nhiều bạn nhỏ khác trên thế giới, biết quý hơn nền hòa bình mình đang thụ hưởng qua những cuốn sách, truyện dịch đó.
Ví dụ, sau khi đọc xong cuốn truyện Christophe’s story (Câu chuyện của Christophe, tựa tiếng Nhật “Ohanashi kikasete Kurisutofu”) của tác giả Nikki Cornwell, con gái tôi (học lớp 3) đã có những dòng cảm tưởng, xin trích dịch dưới đây. (Bài viết đã đoạt giải xuất sắc cuộc thi “Viết cảm nhận về quyển sách đã đọc” khu vực phía Bắc Okinawa và giải ba cấp tỉnh.)
Tôi là người Việt Nam. Tôi sinh ra ở Việt Nam và đến Okinawa năm 1 tuổi rưỡi. Hằng năm tôi đều về Việt Nam. Gặp bà nội, ngọai, họ hàng và cùng nhau hưởng khoảng thời gian vui vẻ.
Còn Christopher, dù cha của cậu có nói khi nào nội chiến kết thúc họ sẽ trở về nhưng vì nội chiến ở Rwanda chưa kết thúc nên họ không thể về được.
Tôi thấy thật đáng thương và buồn làm sao khi không thể trở về quê hương của mình.
Từ quyển sách này, tôi có những cảm nhận và suy nghĩ như thế này. Đó là nhất định không để xảy ra chiến tranh lần nữa, không được gây ra chiến tranh. Lý do là gia đình sẽ chết đi, sẽ bị thương”.
Và không dừng ở việc tự mình đọc, thông qua phong trào “cả nhà cùng đọc”, học sinh tiểu học Nhật lại chủ động rủ ba mẹ, anh chị em trong gia đình cùng đọc những đầu sách ưa thích của mình. Từ đó, cả gia đình lại có thêm dịp nuôi dưỡng tình yêu thương cho nhau qua những trang sách.
Hoạt động của thư viện được xem là một phần quan trọng trong chương trình giáo dục tại các trường tiểu học Nhật Bản.
Trường có ít học sinh bao nhiêu đi nữa vẫn phải có thư viện và phòng đọc sách. Trường đang trong quá trình tu bổ, sửa chữa, ngày hội thao phải mượn đỡ sân vận động của trường khác đi chăng nữa, vẫn phải thu xếp một không gian để làm thư viện và mở cửa để phục vụ các độc giả nhí của mình.
Thư viện trường tiểu học tổ chức một đội tự quản gồm các em học sinh lớp lớn, chủ yếu là lớp 5, lớp 6 cùng giáo viên thủ thư.
Đội thư viện khuyến khích học sinh trong trường đọc sách bằng các hoạt động định kỳ như thi sáng tác khẩu hiệu, ápphich ủng hộ phong trào đọc sách, lớp lớn tổ chức đọc truyện cho lớp nhỏ nghe, phong trào gửi thư giới thiệu sách mà thư viện sẽ là cầu nối, chương trình đố vui giữa giờ chơi mà nội dung câu đố lấy từ sách trong thư viện, phần thưởng là những phiếu kẹp sách do chính các bạn nhỏ tự làm bằng tay (nhưng đủ khiến những bạn đoạt giải vui những mấy ngày liền).
Trong lớp, các em có một tập dokusho fairy (tập đọc sách) tập hợp những bài phát biểu cảm tưởng, tranh vẽ về những tựa sách các em tâm đắc.
Quy mô lớn hơn là các cuộc thi vẽ, viết phát biểu cảm tưởng về quyển sách đã đọc dành cho các cấp lớp ở cấp tỉnh, quốc gia.
Đương nhiên sẽ không có tập nào giống tập nào, hay tranh này từa tựa tranh kia, lại càng không có bài văn mẫu.
Có những bài hết trang giấy mà cũng có bài chỉ vài chữ vỏn vẹn “tôi thích cuốn sách này vì tranh vẽ buồn cười” cùng với tựa sách, tên tác giả.
Hằng tháng, ban quản lý gồm một cô thủ thư và đội tự quản thư viện được hình thành từ các học sinh lớp lớn thống kê xem bạn nào mượn nhiều sách nhất để thưởng phiếu mượn sách.
Với phiếu này, các em có thể mượn nhiều hơn quy định, hoặc được mượn về nhà các cuốn sách vốn chỉ được xem tại thư viện như từ điển....

Thứ Năm, 12 tháng 5, 2016

Tình yêu thương con trẻ trong thơ Bác Hồ

Tình yêu thương con trẻ trong thơ Bác Hồ

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới mà Bác còn là một nhà thơ lớn. Thơ Bác luôn ẩn chứa một thông điệp về tinh thần yêu nước, thương nòi và khát khao giành độc lập, tự do cho dân tộc. Đối tượng phản ánh trong thơ Bác rất phong phú và trẻ em chiếm một vị trí quan trọng.
Trong bài thơ “Kêu gọi thiếu nhi” Bác đã thể hiện tình yêu thương vô bờ bến đối với trẻ em nước nhà khi đất nước có xâm lăng phải sống trong cảnh “bạo tàn” của giặc Nhật, giặc Tây. Bác viết Trẻ em như búp trên cành/Biết ăn, ngủ biết học hành là ngoan. Hình ảnh “như búp trên cành” đó chính là mầm non của quê hương, đất nước phải được nuôi dưỡng và học hành đến nơi đến chốn, nhưng vì “Chẳng may vận nước gian nan/Trẻ em cũng phải lầm than cực lòng”. Do nước nhà bị ách cai trị của thực dân nên cái “búp trên cành” cũng phải “Làm tôi tớ người ta bên ngoài”.
Bác viết bài thơ “Kêu gọi thiếu nhi” như lời hiệu triệu các cháu “góp phần mình một tay” cùng cha ông đánh đuổi giặc ngoại xâm: “Vậy nên trẻ em nước ta/Phải đoàn kết lại để mà đấu tranh/Người lớn cứu nước đã đành/Trẻ em cũng góp phần mình một tay/Bao giờ đuổi hết Nhật Tây/Trẻ em ta sẽ là bầy con cưng”. Một lần nữa ta lại thấy được sự uyên bác nhìn xa trông rộng ở Người. Tinh thần đoàn kết cần phải được xây dựng từ thế hệ “búp măng non” và đó là yếu tố quyết định cho sự thắng lợi của cách mạng.
tya1
Bác Hồ với thiếu nhi Việt Bắc.    
Đọc bài thơ “Trẻ chăn trâu” được Bác viết năm 1942 ta càng hiểu sâu sắc hơn về những sót xa của Người khi nước nhà bị xâm lược, khi đó đối tượng khổ nhất là trẻ em mà trẻ em sống trong cảnh bần hàn thì tương lai nước nhà sẽ ra sao? Những câu hỏi thường trực trong trái tim Người và Bác đã “vạch mặt” kẻ gây ra nỗi khổ đau cho nhân dân Việt Nam nói chung và trẻ em nói riêng là “Ấy là vì Nhật, vì Tây/Ra tay vơ vét, đọa đày chúng ta/Làm cho tan cửa nát nhà/Trẻ em vất vả người già đắng cay”. Vì vậy, tất cả chúng ta phải đoàn kết lại“Cùng nhau đánh đuổi Nhật, Tây/Anh em ta mới có ngày vinh hoa/Nhi đồng cứu quốc hội ta/Ấy là lực lượng ấy là cứu tinh/Ấy là bộ phận Việt Minh/Dân mình khắc cứu dân mình mới xong/Ai nghe mà chẳng động lòng/Khá khen con trẻ mục đồng Việt Nam”. Lời kêu gọi ấy của Bác Hồ có sức lan tỏa mãnh liệt trong thiếu niên nhi đồng cả nước tham gia đánh Tây, đuổi Nhật, giải phóng dân tộc thống nhất nước nhà. Đã có biết bao tấm gương thiếu niên nhi đồng anh dũng hy sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc mà tiêu biểu là Kim Đồng, Vừ A Dính...
tya2
Cô và trò Trường Mầm non Hưng Thành (TP Tuyên Quang) 
chăm sóc cây xanh trong khuôn viên nhà trường
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công đập tan ách áp bức bóc lột của thực dân, phong kiến, trẻ em được sống trong niềm hoan ca, trong tình yêu thương vô bờ bến của Bác. Ngay trong Tết Trung thu đầu tiên khi nước nhà giành độc lập, Bác đã viết thư gửi thiếu niên nhi đồng “Tết Trung thu với nền độc lập” chia sẻ niềm hân hoan cùng các cháu và dạy bảo các cháu rèn luyện, học hành để trở thành chủ nhân tương lai của đất nước.
Tình yêu con trẻ của Bác còn được thể hiện rõ trong những bài thơ chúc Tết Trung thu được Bác viết trong những năm 1951, 1952, 1953, 1954. Đó là những năm tháng cả nước đang bước vào giai đoạn đầy cam go, quyết liệt của cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược. Vẫn là tình cảm đầy ắp tình yêu thương dành cho con trẻ, vẫn là những lời căn dặn hết sức gần gũi, thân thương nhưng trẻ em như được bồi đắp tinh thần yêu nước, khí phách kiên cường đấu tranh vì nền độc lập của nước nhà. “Trung thu trăng sáng như gương/Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng” và Bác “Mong các cháu cố gắng/Thi đua học và hành/Tuổi nhỏ làm việc nhỏ/Tùy theo sức của mình/Để tham gia kháng chiến/Để giữ gìn hòa bình/Các cháu hãy xứng đáng/Cháu Bác Hồ Chí Minh”. Sự gắng sức của các cháu chắc chắn sẽ góp sức mang lại hòa bình cho đất nước“Bao giờ Nam Bắc một nhà/Các cháu xúm xít thì ta vui lòng...”.
Mỗi lần đọc những vần thơ Bác viết cho thiếu nhi, trẻ em như được sống trong tình thương yêu của Bác, như được nghe lời Bác dặn dò nỗ lực học tập, vươn lên trở thành con ngoan trò giỏi, chủ nhân tương lai của quê hương, đất nước.