Thứ Năm, 12 tháng 5, 2016

Tình yêu thương con trẻ trong thơ Bác Hồ

Tình yêu thương con trẻ trong thơ Bác Hồ

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới mà Bác còn là một nhà thơ lớn. Thơ Bác luôn ẩn chứa một thông điệp về tinh thần yêu nước, thương nòi và khát khao giành độc lập, tự do cho dân tộc. Đối tượng phản ánh trong thơ Bác rất phong phú và trẻ em chiếm một vị trí quan trọng.
Trong bài thơ “Kêu gọi thiếu nhi” Bác đã thể hiện tình yêu thương vô bờ bến đối với trẻ em nước nhà khi đất nước có xâm lăng phải sống trong cảnh “bạo tàn” của giặc Nhật, giặc Tây. Bác viết Trẻ em như búp trên cành/Biết ăn, ngủ biết học hành là ngoan. Hình ảnh “như búp trên cành” đó chính là mầm non của quê hương, đất nước phải được nuôi dưỡng và học hành đến nơi đến chốn, nhưng vì “Chẳng may vận nước gian nan/Trẻ em cũng phải lầm than cực lòng”. Do nước nhà bị ách cai trị của thực dân nên cái “búp trên cành” cũng phải “Làm tôi tớ người ta bên ngoài”.
Bác viết bài thơ “Kêu gọi thiếu nhi” như lời hiệu triệu các cháu “góp phần mình một tay” cùng cha ông đánh đuổi giặc ngoại xâm: “Vậy nên trẻ em nước ta/Phải đoàn kết lại để mà đấu tranh/Người lớn cứu nước đã đành/Trẻ em cũng góp phần mình một tay/Bao giờ đuổi hết Nhật Tây/Trẻ em ta sẽ là bầy con cưng”. Một lần nữa ta lại thấy được sự uyên bác nhìn xa trông rộng ở Người. Tinh thần đoàn kết cần phải được xây dựng từ thế hệ “búp măng non” và đó là yếu tố quyết định cho sự thắng lợi của cách mạng.
tya1
Bác Hồ với thiếu nhi Việt Bắc.    
Đọc bài thơ “Trẻ chăn trâu” được Bác viết năm 1942 ta càng hiểu sâu sắc hơn về những sót xa của Người khi nước nhà bị xâm lược, khi đó đối tượng khổ nhất là trẻ em mà trẻ em sống trong cảnh bần hàn thì tương lai nước nhà sẽ ra sao? Những câu hỏi thường trực trong trái tim Người và Bác đã “vạch mặt” kẻ gây ra nỗi khổ đau cho nhân dân Việt Nam nói chung và trẻ em nói riêng là “Ấy là vì Nhật, vì Tây/Ra tay vơ vét, đọa đày chúng ta/Làm cho tan cửa nát nhà/Trẻ em vất vả người già đắng cay”. Vì vậy, tất cả chúng ta phải đoàn kết lại“Cùng nhau đánh đuổi Nhật, Tây/Anh em ta mới có ngày vinh hoa/Nhi đồng cứu quốc hội ta/Ấy là lực lượng ấy là cứu tinh/Ấy là bộ phận Việt Minh/Dân mình khắc cứu dân mình mới xong/Ai nghe mà chẳng động lòng/Khá khen con trẻ mục đồng Việt Nam”. Lời kêu gọi ấy của Bác Hồ có sức lan tỏa mãnh liệt trong thiếu niên nhi đồng cả nước tham gia đánh Tây, đuổi Nhật, giải phóng dân tộc thống nhất nước nhà. Đã có biết bao tấm gương thiếu niên nhi đồng anh dũng hy sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc mà tiêu biểu là Kim Đồng, Vừ A Dính...
tya2
Cô và trò Trường Mầm non Hưng Thành (TP Tuyên Quang) 
chăm sóc cây xanh trong khuôn viên nhà trường
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công đập tan ách áp bức bóc lột của thực dân, phong kiến, trẻ em được sống trong niềm hoan ca, trong tình yêu thương vô bờ bến của Bác. Ngay trong Tết Trung thu đầu tiên khi nước nhà giành độc lập, Bác đã viết thư gửi thiếu niên nhi đồng “Tết Trung thu với nền độc lập” chia sẻ niềm hân hoan cùng các cháu và dạy bảo các cháu rèn luyện, học hành để trở thành chủ nhân tương lai của đất nước.
Tình yêu con trẻ của Bác còn được thể hiện rõ trong những bài thơ chúc Tết Trung thu được Bác viết trong những năm 1951, 1952, 1953, 1954. Đó là những năm tháng cả nước đang bước vào giai đoạn đầy cam go, quyết liệt của cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược. Vẫn là tình cảm đầy ắp tình yêu thương dành cho con trẻ, vẫn là những lời căn dặn hết sức gần gũi, thân thương nhưng trẻ em như được bồi đắp tinh thần yêu nước, khí phách kiên cường đấu tranh vì nền độc lập của nước nhà. “Trung thu trăng sáng như gương/Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng” và Bác “Mong các cháu cố gắng/Thi đua học và hành/Tuổi nhỏ làm việc nhỏ/Tùy theo sức của mình/Để tham gia kháng chiến/Để giữ gìn hòa bình/Các cháu hãy xứng đáng/Cháu Bác Hồ Chí Minh”. Sự gắng sức của các cháu chắc chắn sẽ góp sức mang lại hòa bình cho đất nước“Bao giờ Nam Bắc một nhà/Các cháu xúm xít thì ta vui lòng...”.
Mỗi lần đọc những vần thơ Bác viết cho thiếu nhi, trẻ em như được sống trong tình thương yêu của Bác, như được nghe lời Bác dặn dò nỗ lực học tập, vươn lên trở thành con ngoan trò giỏi, chủ nhân tương lai của quê hương, đất nước.