Thứ Ba, 6 tháng 9, 2016

Đánh giá mới theo Thông tư 30 để học sinh không ganh đua

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, cách đánh giá mới theo Thông tư 30 để học sinh tự nhận thức khả năng, giỏi không kiêu, kém không tự ti.

Sáng 5/9, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tới trường Tiểu học Việt Nam - Cuba (Ba Đình, Hà Nội). Không thông báo trước, sự xuất hiện của ông khiến giáo viên, phụ huynh bất ngờ, chuyện trò vui vẻ với ông.
Trước băn khoăn của nhiều phụ huynh về việc không chấm điểm tiểu học khiến gia đình không biết sức học của các con đến đâu để kèm cặp, ông Đam cho rằng cách đánh giá mới để các em tự nhận thức được khả năng của bản thân mà vươn lên. Em nào giỏi rồi thì không kiêu, không coi thường bạn khác. Cháu nào chưa giỏi cũng cũng không tự ti, không mất động lực phấn đấu.
Nghe ông giải thích, phụ huynh đồng tình và cho rằng nếu được thông tin đầy đủ, cụ thể về mục đích, cách làm thì sẽ hiểu hơn.
Trước đó, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cũng cho biết những hạn chế của Thông tư 30 trong đánh giá học sinh tiểu học, Bộ đã tiếp thu ý kiến, rút kinh nghiệm và điều chỉnh. Trong dự thảo sửa đổi, việc đánh giá theo phương thức A, B, C không phải là "bình mới rượu cũ", giống với việc cho điểm như nhiều ý kiến nhận định. Bởi bản chất của 3 mức trên là lượng hóa để đánh giá sự tiến bộ của học sinh.
Nán lại sau lễ khai giảng, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nghe nhắc tới việc một hiệu trưởng ở Nha Trang (Khánh Hòa) yêu cầu học sinh khiêng bàn. Ông cho rằng, có những việc mỗi học sinh có thể tự làm như dọn vệ sinh, trồng cây, nhặt rác nhưng cũng có việc cần lao động tập thể.
Kể lại câu chuyện khi được hỏi sao không nhặt mẩu rác ở cạnh mình, một học sinh đã trả lời cái này không phải việc của cháu, ông chia sẻ: "Người lớn phải dạy các cháu từ những thứ rất nhỏ như thói quen thấy rác thì tự động nhặt bỏ vào thùng. Nhà trường cùng hội phụ huynh nên tổ chức những buổi lao động để học sinh và người lớn cùng nhau nhặt rác, giữ vệ sinh sạch sẽ quanh trường".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét